Film Review: Mắt biếc (Bitch eyes)

Nếu phải hỏi lý do mình đi xem film này, thì chắc phải nói là vì tò mò là chính. Mình thích tác phẩm gốc!  Cái cảm giác đọc Mắt Biếc ngay trùng thời điểm vừa ăn quả friend zone đầu đời chắc chắn không có tác phẩm điện ảnh nào mang lại được. Thậm chí bây giờ có đọc lại truyện chắc chắn cũng không thể có lại cảm giác đó. Và có lẽ vì kỷ niệm quá lớn đó nên mình không đặt nhiều hy vọng khi xem film.

Thế nên mình đi xem film với tâm trạng khá là thoải mái, coi như một bữa giải trí là chủ yếu, cốt để xem đạo diễn có dám làm gì bức phá so với tác phẩm gốc hay không.

Phần mở đầu chưa đạt

Phần này coi không suôn sẻ lắm vì một phần mình vào rạp trễ một tẹo. Vừa vào ngồi ổn định, bốc nắm bắp đang nhai đầy miệng thì ngó lên là nguyên cái cảnh ỉa đùn. Phải tốn mấy giây định thần mới nhai nuốt nổi đám bắp.

Phần mở đầu của film có dàn diễn viên nhí dễ thương và bối cảnh êm đềm dễ chịu nhưng vẫn chưa đạt được cái thần thái mình nhớ khi đọc tác phẩm gốc. Một phần vì thời lượng của các cảnh mở đầu quá ngắn khó mà bì được với cảm giác mang lại trong tác phẩm gốc. NNA dành gần 1/3 truyện Mắt biếc cho tuổi thơ của nhân vật chính và ông nổi tiếng là cây bút xuất sắc cho đề tài thiếu nhi nên khoảng thời lượng mà film dành cho phần này khá là ngắn để có thể truyền tải nhiều.

Phần giữa thảm họa

Đoạn giữa của film thì đúng là một thảm họa so với tác phẩm gốc. Chắc một phần cũng khó khi chuyển thể khi mà truyện viết theo góc nhìn của nhân vật chính lại chủ yếu tập trung mô tả nội tâm, ít có nhiều tình tiết. Mà film thì không có tình tiết không thể tả nội tâm được, quả này bắt chuyển thể đúng là ác.

Vậy nên có lẽ film phải sáng tạo thêm khá nhiều tình tiết và hầu hết đều trật quẻ!!

Trong truyện Ngạn chỉ có một tình cảm trong sáng, thuần khiết và thầm kín chưa bao giờ thổ lộ. Nếu có trách Ngạn thì chỉ trách là anh ta bị khờ thôi. Còn trong film thì các tình tiết liên quan tới Ngạn chỉ để dẫn đến một nhận xét như bạn mình nói: “Ngu thì ế chứ chả có quái gì phải luyến tiếc“.

Đi rình xem gái hẹn hò?? Really??

Cách nhân vật Ngạn trong film handle mối tình đơn phương khùng không thể tin được. Coi cứ như xem film hài mặc dù rõ ràng diễn viên không cố ý hài nhưng khi xem cứ vẫn phải cười. Ai hiền thi chắc là cười thương hại, còn ai khó tính thì chắc phải cười xỉ vả.

Trong truyện thì Ngạn không dám thể hiện gì với Hà Lan. Đi học về thì núp dọc đường rồi vù ra chạy chung  với gái thôi. Ngạn trong film vác xe đạp ra đón gái trước cổng trường, chở đi tình tứ còn hơn người yêu. Chi tiết này lại phản bội hình ảnh của một đứa yêu đơn phương chưa bao giờ dám nói. Chả biết hồi năm 196x người ta yêu nhau kiểu gì chứ ngay cả thời nay thì đứng đón trước cổng trường là hoá bằng quá ông nội cha lời tỏ tình.

Và sau khi đã chở gái đi vài vòng sông Hương không biết bao nhiêu lần như vậy thì Ngạn để mất gái khá dễ dàng. Đã không có gan giữ gái lại có gan lết xác đi theo dõi xong nhìn tụi nó tình tứ với nhau. Mà đã rình còn không chịu rình một mình, phải kéo theo một cô gái khác vô rạp phim để rình chung để rồi khi tình nhân người ta đi tăng 2 thì Ngạn phải chở cô kia về, không rình tiếp được. Cùng một lúc phế với cả hai cô gái mà thì ế là chuẩn bài rồi.

Đúng lý ra toàn bộ phân đoạn này nên cắt bỏ và bám sát nguyên tác. Film thay đổi tình tiết có vẻ như Ngạn bị phản bội, có vẻ muốn làm cho khán giả thông cảm với nhân vật chính hơn. Nhưng cách thể hiện của film lại khiến người ta thấy Ngạn bị đá cũng xứng lắm. Nói chung cắt luôn có khi film lại hay hơn.

Hộp dầu cù là

Sau pha đi rình gái thảm họa đó thì Ngạn có màn chứng tỏ tình yêu bằng cách ra tay nghĩa hiệp gây sự với ông anh họ nhất đẳng huyền đai khi ổng dám lơ cô gái Hà Lan để đi với gái khác. Phần này thì bám sát nguyên tác nhưng mình vẫn thấy có gì đó chưa đã. Đặc biệt là chi tiết hộp dầu cù là.  Hộp dầu kỷ niệm dấu yêu mà gái xức cho Ngạn ngày bé đã biến thành công cụ chống cảm gió để cô gái đi đêm với trai.

Đây là một chi tiết khá đắt giá mà film đã cố gắng thể hiện nhưng không hiểu sao lại thiếu câu nói đắng cay nhất mà gái lỡ miệng dành cho Ngạn. Đoạn mô tả tâm lý của Ngạn khi nghe câu nói đó trong truyện là một phần mình rất thích. Rốt cục tình yêu là gì? Vị tha hay ích kỷ? Gần chục năm sau khi đọc tác phẩm mình vẫn chưa trả lời được. Giá như film có thể khai thác chi tiết này sâu sắt hơn, đắt giá hơn nữa.

Ngạn chăm bà bầu?? What??

Cả đoạn này là sáng tạo (hay tối tạo gì đó) của film. Trong truyện thì lúc gái có bầu Ngạn chờ đẻ thì Ngạn đi học cao đẳng sư phạm mất xác rồi, chỉ còn trao đổi qua thư từ. Có lẽ film muốn tăng thêm điểm đảm đang chung thủy của Ngạn để khán giả có cảm tình. Nhưng mình lại tháy đoạn này thừa. Hà Lan có ba cô xài toàn đồ Mỹ, đánh xe hơi đi nhảy đầm thì việc gì phải chờ tới Ngạn vào chăm bà bầu và sức mấy mà có chuyện Hà Lan cạn sữa phải để Ngạn phải đi xin về nấu cháo? 

Nhìn chung đoạn có tác dụng tạo cảm hứng cho khá nhiều meme trên mạng. Mặc dù xử lý của Ngạn có vẻ đỡ ngáo hơn khi đi rình gái nhưng nó không làm film khá hơn. Có chăng nó chỉ khiến hình ảnh Hà Lan tệ hơn thôi. Phản bội trai tốt, đến khi bị trai đểu đá thì mặc nhiên để cho trai tốt đến chăm mà chả thèm đoái hoài. Hà Lan trong truyện chỉ dùng Ngạn làm thùng rác trút bầu tâm sự chứ không nhận sự trợ giúp nào từ Ngạn, Hà Lan trong film thì trai đưa cái gì cũng lấy, quá bạc bẽo.

Đoạn kết cũng ổn

Đoạn kết của film gỡ gạc lại khá nhiều phần giữa. Mình không thích cái kết trong truyện, nó mô tả hơi lê thê và không rõ ràng tình cảm giữa Ngạn với con gái Hà Lan. Truyện nói Ngạn thương Trà Long bằng 1 tình cảm đặc biệt. Không biết đặc biệt kiểu gì mà cuối cùng con bé yêu Ngạn luôn, chả khác gì nuôi con của người yêu cũ để sau này làm thịt gỡ vốn cả.

Ngạn trong truyện quan tâm con bé rõ ràng và trong sáng hơn. Khán giả bớt phải tưởng tượng nhiều cái không hay. Hà Lan cũng có nhiều đất diễn ở phần cuối film hơn là trong truyện để làm rõ suy nghĩ của nhân vật hơn. Chứ như trong nguyên tác đến tận cuối truyện Hà Lan vẫm như một ẩn số với Ngạn thì vã quá.

Và đoạn cuối khi Ngạn ra đi cũng dễ lý giải hơn trong film so với truyện. Ra đi đơn giản vì friendzone ba mươi mấy năm khổ quá rồi thì đi thôi. Đúng theo chân lý: cách duy nhất để ra khỏi friendzone là quẩy đít bỏ đi. Cũng chả cần Hà Lan dí kịp Ngạn làm gì, Ngạn vô Sào Gòn múc cô giáo Hồng ngon hơn. Còn cô gái bán sữa 1 con đó thì cứ cho cổ ế là đáng kiếp. Kết như vậy nhìn chung là ổn.

What can be done?

Nhận xét 1 cách tích cực thì có thể chỉnh phần giữa film một tí là tác phẩm sẽ rất ổn. Chí ít là với fan của nguyên tác như mình.

Đầu tiên là drop cô Hồng đi, hoặc phải thêm đất diễn cho cô. Mặc dù cô Hồng nhìn ngon thiệt, mặt xinh dáng chuẩn chứ không còm nhom đẹt ngắt như cô gái Hà Lan cạn sữa kia. Nhưng mà đất diễn dành cho cô Hồng quá nhạt nhòa, không biết cô từ đâu tới hay đi về đâu mà cô chỉ xuất hiện để làm rõ hơn cái sự phế của Ngạn. Hoặc là thêm đất diễn cho nhân vật Hồng, còn không lấy diễn viên đó đóng vai Hà Lan luôn chắc cũng ngon (mặc dù lúc đó chắc film là biếc nguyên người chứ không chỉ mắt biếc). Nhưng nhìn chung là không nên phí thời gian với một nhân vật ít đất diễn như vậy.

Thứ hai là cần chỉnh lại thời sinh viên sôi động của Ngạn. Ngạn không cần đi rình Hà Lan hẹn hò. Một mình khán giả xem Hà Lan hẹn là đủ rồi, Ngạn chỉ cần ngồi nghe Hà Lan tâm sự, đau khổ một cách bất lực nhưng lại vẫn phải tìm cách bao che cho gái mỗi khi về quê bị gia đình gái hỏi thăm. Thế là đủ chuẩn friendzone thê thảm rồi! Đi rình gái hẹn hò nó bần lắm! Và

Ngạn cũng không cần phải đi chăm bà bầu! Thời lượng film đó nên được dùng để mô tả mối quan hệ lụy tình đau khổ của Hà Lan, thậm chí có thể thêm cả cảnh nóng vào phân đoạn này. Cả trường đoạn yêu đương của Hà Lan trong truyện chỉ thể hiện qua các tin tức nghe lỏm của Ngạn độc giả toàn phải tưởng tượng và cuối cùng cả độc giả lẫn Ngạn cũng không hiểu rõ được nhân vật Hà Lan. Film hoàn toàn có đất để lột tả thêm nhân vật này, có thể làm khán giả đồng cảm và ủng hộ Hà Lan chạy theo Ngạn trong đoạn kết của film. Hơn là như hiện tại lúc kết khi Hà Lan chạy theo Ngạn mình chỉ muốn trù cho con này té lọi giò nó cho rồi.

Nhìn chung thì film cũng không phải là quá tệ, có thể xem như một lời kết cho những kỷ niệm của độc giả với tác phẩm gốc. Rating: 6.5/10, làm tròn lên 7/10 cho film Việt