Hôm nay mẹ về ngoại đám giỗ còn tôi ở lại nhà và vù lên thư viện trường. Lúc tôi về thì không thấy mẹ đâu, cứ ngỡ mẹ vẫn còn đang trên xe về nhà, lát sau mẹ từ bên hàng xóm về và báo với tôi một tin bật ngửa, ông ngoại mất rồi. …
Tôi đón nhận tin này vừa ngạc nhiên vừa bối rối. Ông tôi không được khoẻ, tuổi ông đã ngoài bát tuần, căn bệnh cao huyết áp bám theo ông đã nhiều năm rồi, gần đây lại phát hiện thêm bệnh suy thận. Đã nhiều lần tâm trí tôi lơ mờ hiện ra cái tin sét đánh này, nhưng rồi tôi nghĩ đó chỉ là những lo ngại vu vơ, rằng cái ngày này còn xa lắm, ngày mai là ông sẽ xuống thành phố tái khám, bác sĩ lại bảo ông tuổi cao cần tịnh dưỡng, lại sẽ cho ông một bịch thuốc to tướng đem về quê, mọi chuyện sẽ lại như thế, còn lâu lắm mới tới cái ngày này mà, tôi luôn nghĩ như thế, vậy mà bây giờ…
Từ nhỏ tôi đã không có nhiều kỷ niệm với ông. Ông tôi không ân cần ra đón mỗi khi tôi về quê như bà, ông không chơi đùa với tôi lúc tôi còn nhỏ, cũng không thuộc nhiều chuyện đời xưa, chuyện cổ tích như bà tôi. Ký ức tuổi thơ của tôi về ông là một người thầm lặng, luôn lầm lũi trong cái phòng nhỏ của mình. Hằng ngày ông chăm sóc nhan khói, bày biện bàn thờ, quét dọn nhà cửa, chăm lo cửa nẻo, pha trà tiếp khách dù nhà ngoại tôi không nhiều khách viếng lắm và hầu hết họ cũng ra sau bếp kiếm bà tôi. Tôi cũng ít khi nói chuyện với ông, những câu chuyện của ông không tếu lâm hay giật gân như của bà, ông thường nói với tôi về nhân tình thế thái, về thời sự đó đây, ông nói với tôi rất nhiều như ít khi nghe tôi nói lại vì ông chê bọn hậu bối chúng tôi là ngựa non háu đá. Tôi nghe nhưng câu chuyện của ông một cách hững hờ chiếu lệ, phần vì cùng một tin tức thế giới đó nhưng tôi lại hiểu khác ông. Chỉ những chuyện về ngày xưa ông đi hoạt động nội thành hay chuyện các quan quyền ngày nay cậy thế cách mạng là tôi thích nghe. Nhưng ông ít khi kể chuyện này cho tôi vì ông chê tôi con nít ranh biết gì mà nghe, làm tôi toàn phải nghe lóm lúc ông nói chuyện với mẹ hay với người khác. Bây giờ thì dù tôi có muốn nghe lại những câu chuyện chán phèo của ông cũng không được nữa rồi.
Mẹ tôi kể ngày đó mẹ khó nuôi lắm, đau yếu liên miên (giống y tôi hồi nhỏ), bà ngoại đi xem thầy, thầy bảo cái này là do nghiệt của ông từ đời xửa đời xưa nào đó, nay muốn nuôi được mẹ tôi thì mẹ tôi không được gọi ông là ba mà phải gọi là cậu, giáng ông xuống một cấp. Và thế là từ mẹ tôi cái danh xưng này truyền qua các cậu các dì, gọi dần thành quen nên chưa có một người con nào của ông trìu mến gọi ông một tiếng "Ba ơi". Tôi không thấy ông buồn, hằng ngày ông vẫn âm thầm lặng lẽ chăm lo bà thờ, nhan khói, quét dọn từ trong nhà ra tới ngoài hiên, những khi mạnh mạnh trong người ông lại vác búa ra bửa củi, vác cuốc khai mương, để rồi mỗi bữa dì tôi lại lên gọi "Cậu ơi xuống ăn cơm".
Mỗi khi về quê tui hay giành phần chẻ củi với đào mương của ông, dù nhiều khi mấy cái này hôm trước ông vừa làm xong giờ tôi chỉ còn qua loa chiếu lệ nữa là xong. Những lúc ấy ông cũng chẳng nói gì, chỉ dặn tôi cây búa này trái tính, làm cẩn thận. Rồi ông lại quay vào phòng, cái thế giới riêng của ông, ông sống trầm trầm, ít nói, ít biểu hiện thương yêu. Cứ thế, ông sống lặng lẽ như một cái bóng trong nhà, lầm lũi, chăm lo những việc không tên nho nhỏ, làm cái này cái kia, đóng lại cái bàn cái ghế, sửa lại cái cửa cái khoen. Đôi lúc ông lại "canh me" kiếm người tâm sự, mọi người trong nhà lại nghe tiếng được tiếng mất rồi kiếm cớ thoái lui. Nay thì không còn được tâm sự với ông nữa rồi.
Từ đó đến giờ trong khu phố tôi cũng có vài cái đám ma. Những cái tin hàng xóm có người mất thường được tôi đón nhận ngạc nhiên và pha chút ưu tư. Người mới nói đó, cười đó, nay đã nằm xuống đối với tôi sao mà nó bàng hoàng lắm, nhìn cảnh gia đình người ta thương tiếc khóc nức nở, tôi lại trộm nghĩ liệu đến một lúc nào đó trong nhà tôi…. Rồi thì tôi cũng lại gạt cái ý nghĩ gỡ đó đi, nhưng nay thì không gạc được nữa rồi. Tôi nghe tin mà bàng hoàng, bối rối.
Nhưng dường như tôi không buồn, hay chí ít tôi không trực tiếp buồn mà tôi chỉ buồn khi thấy mẹ tôi buồn, thấy ba tôi thường ngay cũng vô tâm chẳng kém tôi nay cũng biến sắc. Từ chiều lúc nghe tin tới giờ tôi chưa rơi được giọt nước mắt nào, ký ức của tôi về ông cứ mông lung mờ ảo. Ông đi tôi chưa về, tôi bảo mẹ để tôi ở lại coi chừng anh hai. Tang gia bối rối đưa anh về không quản được lại sinh bất tiện. Lý do nghe có vẻ thánh thiện nhưng liệu đó là thánh thiện hay vì thực tâm tôi không nỡ xa rời cái máy tính và những trò vui vô bổ. Tôi bỏ mẹ chừng nào động quan tôi đưa anh về, nhưng mẹ tôi bảo ba về đón hai đứa. Mẹ hiểu tôi quá, xưa nay tôi có giúp gì được mẹ cha đâu, dài lưng tốn vải ăn ầm ầm, học tàn tàn, làm lấy có. Bằng tuổi tôi người ta đi làm thêm phụ giúp gia đình đỡ đần cha mẹ, còn cái thân tôi bước ra ngoài là co dúm lại, tôi luôn cho rằng mình sợ giao tiếp, nhưng còn cái sự thiếu dũng khí để đối diện với nỗi sợ của chính mình thì tôi không thừa nhận. Cứ thế tôi sống và dung dưỡng cái tính ích kỷ của mình, để rồi khi sự cố ập đến tôi lại ngồi kiểm điểm lại mình và tự hỏi, phải chăng tôi là một kẻ quá vô tâm ? :worried:
NGOẠI ƠI !!