Luyện xong film Thời xa vắng. Không biết ai đặt cái tựa đề sao mà thấm thía thế, thời của sự xa vắng, thời của ông nội và bà nội. Thời đó không còn phong kiến nữa, con người được tự do yêu nhau nhưng…
Chàng trai nhân vật chính "được" cha mẹ cưới vợ cho khi mới chỉ là thằng nhóc con 9-10 tuổi. Ở quê nghèo khó, thằng anh đi cách mạng, thằng em còn nhỏ, kiếm đứa con dâu để đỡ đàn cha mẹ già. Nhà gái muốn kết thông gia với gia đình có công cách mạng vì lo Pháp đi rồi nhà mình lại mang gốc tư sản, cuộc hôn nhân này là vấn đền sống chết. Thế là đôi lứa sánh đôi.
Chàng trai (là thằng nhóc lớn lên) không yêu cô gái (lớn tuổi hơn cả chị dâu của nó), nó yêu cô bạn học cùng trường. Thế nhưng nhà ta là nhà cách mạng, là nhà phải gương mẫu, trong ấm ngoài êm. Chuyện hôn nhân đã rồi, không được chê vợ già vợ xấu, không được chê vợ quê mùa dốt nát. Như thế là phong kiến, gia trưởng, là mất tư cách phẩm chất người cách mạng. Phải yêu thương vợ con => Vợ chưa làm gì có lỗi với chồng thì không được ly hôn vợ.
Ông bà nội lấy nhau qua mai mối, hai người đám cưới ở cái tuổi mà bây giờ mình đang mài đít trên ghế trường cấp 3. Rồi thì ba ra đời, ông đi bộ đội. Một mình bà vừa chăm con vừa chăm nom bà cố đã già, năm thì mười họa ông ghé về thăm. Bà nhớ ông, ông nhớ bà, nhớ ba.
Rồi ông vào bộ đội chủ lực, không còn bám địa bàn, sống với đơn vị, đóng quân ở tận đâu bà cũng chẳng biết, bà ở trong vùng kiểm soát của địch, biết cũng chẳng để làm gì, chỉ phiền hà gia đình thêm. Ông cũng hiếm khi về thăm bà, chiến tranh leo thang, súng đạn, công tác dài ngày, những cô nữ dân quân, nữ du kích, nữ cán bộ, lâu dần ông bắt đầu có nhiều thứ hơn là nỗi nhớ. Bà ở nhà quạnh quẽ, Mỹ Ngụy lâu lâu lại đến hạch hỏi chuyện bà ở vậy nuôi thằng "cộng sản con", bà cũng phải giả vờ quen với người này người kia như người ta, rồi thật thật giả giả, lâu dần bà cũng có nhiều thứ hơn là nỗi nhớ.
Thế nhưng ông là một đảng viên, một chiến sĩ, một người cách mạng, phải biết gương mẫu, phải biết nâng niu gìn giữ hạnh phúc gia đình bà có sang campuchia bà vãn là vợ ông, bà chưa làm gì có lỗi với ông, ông không được ly dị bà.
Và cứ thế họ sống, ông và bà cuối cùng cũng được tổ chức cho ly dị nhau, sau khi tổ chức cử một đoàn công tác xuống xác nhận việc bà có con với người khác. Cuộc hôn nhân của 2 người kéo dài cũng phải 15-20 năm gì đó mặc dù thời gian bên nhau tính bằng ngày và thời gian yêu nhau thì… không biết có để mà tính hay không nữa, mình hỏi thì chả ai trả lời.
Cuộc hôn nhân thứ 2 của bà không thành, lúc đó bà đã 3 con, 2 với ông, một với người ta nhưng người ta bỏ bà. Người ta không phải là người cách mạng, người ta bỏ chả cần tổ chức nào đồng ý, đến nay bà vãn một mình với 3 con.
Cuộc hôn nhân thứ 2 của ông kéo dài tới bây giờ ông với người ta ở chung một miếng đất nhưng 2 căn nhà, ông một căn, người ta một căn (!?) Mình hỏi ông có yêu người ta không thì ông không trả lời, chỉ biết rằng ông là người cách mạng.
Chẳng biết ai đúng ai sai, chỉ biết rằng cái thời đó nó vậy thời đó nó khác với bây giờ, thời đó ai cũng khổ!! Những nổi khổ chôn giấu vào tim chẳng biết nói bằng lời nào cho xiết. Nhưng mà nói làm gì khi ai cũng khổ y như mình (!?) Và cứ thế họ sống, họ không nhâ danh tình yêu rồi làm điều rồ dại, họ sống chịu đựng phi thường và bền bỉ tới bây giờ. Vì họ biết trên họ còn một cái gì đó to lớn lắm. Trên ông còn có tổ chức, còn có Đảng, là đảng viên với ông là cái điều lớn lao, quý giá vô cùng. Trên bà còn có bà con dòng họ, có trời đất chứng giám, đó là cái gì đó linh thiêng lắm, kinh khủng lắm. Và cũng có lẽ vì ông bà biết rằng xung quanh mình, ai cũng khổ…