Giáo chức – dứt cháo – các sự kiện chính trong đời đi học của mình.

Đọc một cái link share trên facebook của một người quen, một bài blog host bởi "dâmtrí.com", đọc mà thấy buồn cười, đêm lại không ngủ được…

http://dantri.com.vn/c702/s702-649817/luong-giao-vien-mot-cach-nhin-khac.htm

Lương giáo viên – Một cách nhìn khác!
(Dân trí) – Nếu đặt một câu hỏi: Lương giáo viên cao hay thấp? Chắc chắn sẽ nhận được nhiều và rất nhiều câu trả lời: Thấp! Đó là một sự thật không thể bàn cãi và cũng là sự bức xúc của toàn xã hội. Nhưng nếu như có một cách tính khác…

(Minh họa: Hồng Anh)

Có thể nói, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn hiểu, thông cảm với những khó khăn về kinh tế của các thày cô giáo. Gần đây nhất, ngày 4/10, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Đây là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh của nền kinh tế nước ta hiện nay.

Tại buổi làm việc xung quanh vấn đề này với Chủ tịch Hội giáo chức Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: “Mặc dù đất nước ta còn nghèo, ngân sách nhà nước hiện còn rất khó khăn, những vấn đề này phải được xem xét một cách thấu đáo, đảm bảo sự công bằng hợp lý. Thể hiện sự công nhận công lao đối với các nhà giáo đã nghỉ hưu và có tác dụng động viên khích lệ đối với các nhà giáo đang làm việc”.

Thế nhưng có ý kiến lại cho rằng nếu so với thời lượng lao động thực tế, lương giáo viên hiện nay không thấp. Cụ thể hơn, mỗi năm giáo viên đều được hưởng 100% lương từ 12 tháng nhưng thực tế, các thày cô giáo làm việc bao nhiêu ngày/năm? Đây cũng là câu hỏi rất đáng để suy ngẫm bởi sự cân bằng giữa công sức và hưởng thụ chính là sự công bằng xã hội.

Để trả lời câu hỏi này, xin đưa ra một phép tính sơ lược.

Theo qui định hiện hành, mỗi một năm các thày cô giáo được nghỉ hè 3 tháng bằng 91 ngày cộng với các qui định chung như 12 ngày nghỉ phép, 10 ngày nghỉ tết, lễ… Trong số 9 tháng học, mỗi tháng học sinh nghỉ 8 ngày thứ 7 và chủ nhật (8 x 9 = 72 ngày).

Như vậy chỉ tính sơ bộ, mỗi năm các thày cô nghỉ khoảng 185 ngày (91 + 12 + 10 + 72). Tuy nhiên, con số này còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế bởi hàng loạt những ngày nghỉ và các qui định cụ thể khác. Ví dụ như thực tế, học sinh Hà Nội được nghỉ tết âm lịch năm 2012 là 11 ngày (từ 19/1 – 29/1). Thậm chí, có trường tổ chức đại hội công đoàn cũng cho các em nghỉ học.

Tóm lại trong một năm có 365 ngày, nếu tính thời gian trực tiếp đứng lớp của các thày cô giáo có lẽ không quá 160 ngày/năm và nếu qui thời gian theo Luật lao động 8 giờ/ngày, con số này còn thấp hơn nữa.

Sẽ có ý kiến cho rằng thời gian nghỉ hè không phải là để chơi mà các thày còn phải có thời gian nâng cao nghiệp vụ, giao lưu học hỏi hay tổng kết năm học, giáo viên còn phải dành thời gian soạn giáo án vân vân và vân vân. Với các lý do này, có lẽ hầu hết các ngành nghề đều phải làm việc đó. Vấn đề là họ làm vào lúc nào thôi. Ví dụ ngành y tế chẳng hạn, các y bác sĩ vẫn phải làm việc đủ 12 tháng/năm và 8 tiếng/ngày.

Nói gì thì nói, giáo viên cũng là người lao động, chịu sự chi phối và điều tiết của Luật lao động. Vì vậy, trong 12 tháng mà làm việc có 160 ngày (trung bình khoảng 13,3 ngày/tháng) là quá ít.

Từ những phép tính trên, có thể nhận thấy hai điều. Thứ nhất, nếu cân đối giữa thời gian lao động thực tế so với thu nhập, giáo viên có lẽ không phải thấp như quan niệm hiện nay.

Thứ hai, thời gian các em học sinh theo học tại trường quá ít. Phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến chương trình luôn bị đánh giá là nặng và môi trường thuận lợi cho việc dạy thêm, học thêm.

Trên tinh thần cầu thị, chúng tôi rất mong nhận được sự phản hồi của các bạn dù đồng tình hay phản đối.

Bùi Hoàng Tám

Bỗng dưng nửa đêm tôi nhớ nhiều thứ. Tôi nhớ cô giáo dạy lớp 2. Cô già, rất già, một trong số rất ít những giáo viên già hơn nhiều mẹ tôi (mẹ có tôi khi đã tam tuần vả lại càng đi học thì dĩ nhiên tôi phải càng già đầu). Cô có một cây thước gỗ to, dày, một lần quất là phải 3-4 cây quất xong về thì tay này bóp tay kia dù cả 2 tay đều đau. Cô luôn bắt "con trai phải đọc to nói lớn", sau này nghĩ lại có khi vì cô bị nặng tai không chừng. Lớp của cô thì học cũng rất giỏi, nhưng cô nghiêm khắc và khó tính thôi rồi, đánh chửi học sinh thẳng tay, cũng may hồi đó bé quá chẳng ai biết gì. Trong mắt cô thì việc dạy học là trên hết, nhiều lần cô lầm bầm chửi mấy giáo viên các môn phụ bóc học sinh ra khỏi lớp cô để luyện ca, luyện hát. Tôi nhớ nghe thấy lầm bầm chửi ông thầy dự giờ trên quận vì báo tiết này mà đến tiết khác, cũng may lúc đó bé quá không hiểu gì. Học với cô cả lớp khép nép rúm ró để đến khi học xong chúng tôi bung thả toàn bộ cái hồn nhiên vô tư của mình vào sân chơi nhỏ bé của trường, hoặc mảnh sân bé nhỏ của nhà cô nằm sau lưng một khách sạn to. Cô không bao giờ can dự vào việc chơi của chúng tôi, nếu có thì chỉ khi ở lớp học thêm ở nhà cô, lúc đó cô như một người bà trông cả đàn cháu.

Năm đó chúng tôi học rất giỏi và chơi cũng rất vui, phát huy cực độ cả hai thái cực chơi và học. Lần đầu tiên trong đời đi học tôi được hạng nhì toàn lớp (sau 1 đứa con gái nên tôi thường tự cho mình là đứng đầu số con trai) Và tới giờ tôi vẫn nhớ. Nếu bây giờ nhìn lại cô không phải là một mẫu hình của "người thầy" lý tưởng, cũng là một con người bình thường với quan niệm, suy nghĩ mục đích riêng dù nhiều khi các quan niệm, suy nghĩ, mục đích đó không thật sự lý tưởng. Cô là một con người bình thường với bao hỉ nộ ái ô, nhiễm ô, bất tịnh, nhưng là một con người tận tâm với nghề. Và tôi vẫn nhớ về cô.

Người thứ hai tôi nhớ là giáo viên lớp 4. Cô không nghiêm như giáo viên lớp hai, tôi ngồi ở một tổ hiếu động và tôi cũng a dua theo. Lần đó một học sinh lưu bang nhiều năm ngồi kế tôi được điểm bài kiểm tra cao hơn tôi, chả hiểu khùng khùng thế nào tôi nói chắc tại cậu kia đưa tiền cho cô nên mới điểm cao. Nghĩ lại thì chắc lúc đó tôi nổi hứng muốn áp dụng kiểu câu người lớn hay xài để nói ra chứ tôi chả hề có cái ý gì giống với nghĩa của câu đó cả. Bọn kia thì hồn nhiên rì rầm một hồi cô xuống truy ra. Tôi bị mời phụ huynh lên phạt vạ, mẹ hỏi tại sao lại nói như thế tôi cũng chả biết trả lời thế nào, mà đúng là không biết thật. Như bây giờ thì tôi thừa sức đổ vạ là tại 'trẻ con hồ đồ bắt chước người lớn chứ không hiểu gì cả. Còn ngày xưa mặt tôi cứ đần đụt ra, hại mẹ phải bao phen vất vả chạy đi xin lỗi.

Người tiếp theo là cô giáo lớp 5, năm đó lại dính vào một sự vụ khác. Tôi với thằng bạn lang thang vào nhà kho chứa đồ lạc xoong của trường. Cái kho mốc meo cũ kỹ không ai thèm khóa, chúng tôi lẻn vào khám phá vùng đất lạ ấy, mang về nhà một số hộp đất sét đã xài dở nhưng còn vài cục nguyên. Một số cuốn sách thiên văn vũ trụ gì đấy mà tôi hay tò mò, cũng như có di chuyển một ít đồ đạc trong đó. Đùng một phát ít ngày sau cái bà cô hay bỏ đồ trong phòng đó báo bả bị mất đồ. Tin tức đồn qua lớp tôi, và cái hội con gái được cô cưng nhất nhanh chóng chỉ ra một con nhỏ cuối giờ hay về trễ có vào cái phòng đó, con nhỏ chỉ tiếp qua thằng bạn tôi, thằng nhỏ bị tra khảo khóc như mưa ngâu chả khai được gì nhưng rồi một ngày, hai ngày nó vẫn tiếp tục bị khảo, tới ngày thứ 5 thứ 6 gì đó thì khai ra tới tôi. Mặc dù lúc đó tôi cũng sợ dữ lắm nhưng chả biết ở đâu trong người tự tin là thành khẩn sẽ được khoan hồng nên tôi lên khai thật, xin trả lại mấy cuốn sách, còn đất sét thì tôi xài hết rồi, nhưng không dám nói là xài hết chỉ đem trả lại sách thôi ai thấy thiếu thì tự phát hiện.
Mẹ tôi lại bị mời lên mời xuống, sau này nhớ lại những gì hồi đó nghe loáng thoáng thì nếu xâu chuỗi sự việc lại hình như người ta chụp cho mấy đứa tôi một cơ số các vụ mất trộm khác nữa trong trường. Hình như có mấy cuốn sổ sách tập vở gì đó quan trọng chưa kịp trình lên quận với mấy số tiền gì đó nữa, nhưng do không có chứng cớ cụ thể tất cả các vụ nên rồi từ từ cũng được tha. Tới giờ nghĩ lại vẫn thấy đáng lẽ mình không thể nặng tội như vậy. Nhà kho chứa đồ mốc meo cửa không khóa cứ như đồ vô chủ, lúc đó tôi chỉ nghĩ đồ không ai xài mình mượn ít bữa rồi thì không thấy ai truy cứu gì nên tôi đã làm mất mấy cục đất sét. Tội chỉ có nhiêu đó.

Mốc đáng kể tiếp theo là cô chủ nhiệm lớp 6 – lẽ ra thì thầy cô chủ nhiệm nào tôi cũng nhớ cả, chưa đến mức quên nhưng chỉ điểm lại những người đặc biệt thì cô là cô giáo đầu tiên đánh dấu chuyển cấp từ tiểu học lên Trung học nên tôi nhớ. Năm lớp 6 tôi học cũng không tệ, đây là năm cuối cùng trong chuỗi các năm học sinh giỏi lên tiếp của tôi.

Một người nữa tôi cũng nhớ đặc biệt năm lớp 6 là cô giáo dạy sinh học. Cũng thuộc top hiếm các cô giáo già hơn mẹ tôi. Lúc gặp nhau số năm cô đi dạy gấp đôi tuổi đời chúng tôi. Cô đến trường bằng một chiếc xe đạp cà tàng hết cỡ, tàng hơn cả xe đạp của học sinh. Cô dạy hay, dễ hiểu lại vui nữa. Cô là người đầu tiên trả bài miệng tôi, cái bài học đó chỉ đọc đúng có 2 lần, 1 lần lúc cô thông báo kiểm tra và 1 lần lúc đang cầm tập đi lên. Lên bảng tôi nhớ mang máng rồi nói lại ý chính chứ chẳng nhớ câu chữ. Tự nhiên bị bắt đọc lại lần nữa tôi tưởng die tới nơi rồi, ai dè cuối cùng cô đính chính cho tôi là "dùng từ thu hút chứ không có dùng từ "dụ" nha anh hai" rồi cho 8-9 điểm gì đấy về chỗ. Cả lớp cười rần, còn tôi mừng xém chết mặc dù vẫn không nhớ là tôi đọc từ dụ lúc nào và từ thu hút nằm ở đâu. Nhẹ nhàng thế thôi nhưng tới giờ tôi vẫn nhớ, tôi nhớ dáng người nhỏ bé của cô trên chiếc xe đạp cũng bé nhỏ cũ nhèm từ ngoài cổng chạy vào trường và quẹo thẳng vào khu để xe giáo viên thường toàn xe máy. Tôi nhớ niềm vui khi đọc học môn sinh học do cô dạy dù bây giờ nghĩ lại thì chương trình sinh học của lớp 6 chán thấy bà.

Giáo viên tôi nhớ tiếp theo là cô giáo dạy anh văn lớp 8 và lớp 9. Lúc lớp 8 buổi sáng học tin học chiều học chính khóa nên đám con trai mang cơm theo ăn tại trường, trong buổi trưa và tranh thủ đá banh suốt mấy tiếng đồng hồ liền. Đến khi vào buổi chiều thì đứa nào đứa nấy như mới dưới sông chui lên, ướt như con chuột, mùi mồ hôi phả ra phì phì nhưng đứa nào cũng vui nên có biết chi mùi. Cô thì lại không chịu được cảnh học sinh ướt từ đầu tới mông như vậy nên có lần cô chụp cổ từng đứa nào áo ướt gửi lên giám thị, tôi là đứa cuối cùng tưởng thoát ai dè bị kêu kiểm tra miệng. Đi lên bảng cô vừa thấy cái áo một phát là chuyển hướng lên thẳng bàn giám thị. Thôi thì trốn được kiểm tra mà gặp giám thị thì cũng coi như vớt vát. Lên tới nơi giám thị cũng chả biết phạt vạ gì đành mắng một trận rồi bắt đứng đến khi khô áo thì về, được một kỷ niệm đáng nhớ.
Sang tới năm lớp 9 lại là bị kêu lên trả bài miệng. Tôi trình cho cô một cuốn tập ghi bài khổ to như cuốn sách, không có kẻ ô ly gì cả. Năm đó công đoàn cơ quan mẹ phát cho công đoàn viên toàn tập này, nghe đâu là ở Hà Nội năm đó công đoàn cơ quan người ta không cấp tiền để trong này tự mua mà cấp thẳng vật phẩm luôn nên tập tôi dị hợm nhất lớp. Lại thêm tính tôi hà tiện, chữ ghi nhỏ rí ri để tiết kiệm tập nên chắc tôi tưởng gia cảnh khó khăn không có tập đàng hoàng đi học phải xài nhính nhính cuốn tập bèo nhèo. Hôm sau cô lại kêu tôi lên trả bài, đang chửi thầm là đời này số con rệp thì sau khi trả bài xong cô kẹp vào tập tôi một số tiền, hình như đâu đó khoảng 80k hay sao đó và một bộ đồ học sinh, kêu tôi về mua tập khác mà xài. Tôi đơ như cây cơ không nói được tiếng nào.
Tôi muốn nói với cô lắm là "nhà em còn nhiều tập tốt từ mấy năm trước em để dành, đồ đi học em cũng có 3-4 bộ thay ra thay vào, không cần đâu cô" nhưng mà chỉ líu nhíu được mấy chữ "không cần đâu cô", cô làm mặt dữ bắt tôi cầm lấy tôi đành tâm trạng lẫn lộn mà đi xuống, bạn bè nhìn tôi trầm trồ ngạc nhiên còn cô thì nghiêm nghị bắt đầu bài mới và không bao giờ nói gì về việc đó nữa. Nghe theo mẹ tôi lấy tập tốt bao lại làm tập môn cô, nhưng một vế nữa mẹ dặn là ráng học tốt để không phụ lòng cô thì tôi không làm được. Môn anh văn của cô tôi vẫn điểm cao vì vốn nào giờ tôi học anh văn từ lớp 1 rồi chứ thực chất tôi không giỏi giang gì cả. Kết quả cả năm lớp 9 của tôi là một thảm họa. Đến bây giờ tôi vẫn mong có dịp được gặp lại cô giáo anh văn năm xưa, để nói với cô là em đã phụ lòng cô rồi, em không xứng đáng với những món quà đó đâu cô ơi.
Theo luật nhân quả thì có những điều phúc lành bạn không mong chờ hay là chưa cần đến nhưng do nghiệp duyên đã gieo tạo từ lúc não nao nên nó vẫn đến. Dù không hề mong đợi nhưng những cử chỉ ân cần của cô giáo anh văn và cô chủ nhiệm lớp 9 (sẽ kể sau vì post đã quá dài) làm tôi nhớ mãi. Góc nhìn của tôi với người giáo viên thay đổi từ cái nể sợ của thời tiểu học, dần dần đến sự yêu mến nể trọng thời cấp 2.