Film review: Tháng năm rực rỡ

Cũng lâu rồi blog không có bài nào tiếng Việt, thôi giờ review film Việt thì viết tiếng Việt đỡ chứ chả lẽ viết tiếng Anh mãi trong khi mình biết mình viết dở. Nói chung là bị rủ rê đi xem film và cũng lâu rồi không đi ủng hột một film Việt nào. Xem trailer thì không ấn tượng lắm nhưng có dàn diễn viên nữ nổi như cồn thời mình còn nhỏ nên xách mông lên đi thử. Xác định trước trong lòng là không đặt hy vọng quá cao vì film Việt bây giờ makerting trái chiều nhiều quá, khen đó rồi có khi chê đó mà cái tính của mình thì cỡ như Wonder Woman mìn còn lôi ra được sạn nữa là.

Nhìn một cách tổng thể thì film có tính giải trí cao, coi cũng hài. Nếu như không phải là film remake thì có lẽ cũng đáng được một lời khen. Nhưng với film remake mình thường có cái nhìn khắt khe hơn, đặc biệt là về cốt truyện và logic. Cốt truyện thì đã có film gốc nó lo rồi, giờ chỉ chuyển thể lại thì nên chăm chút hơn ở các chi tiết.

Nhân vật chính hồi 15 tuổi nói giọng rặt Thái Bình, sau 25 năm tới 40 tuổi thì nói giọng Nam bộ ngọt ngào trầm ấm là hơi kỳ rồi. Ừ mà thôi film cũng có giải thích là “nhập gia tùy tục” đi nhưng nhập thế quái nào mà ở giai đoạn trước năm 2000 phẫu thuật thẩm mỹ chưa phát triển cô gái ấy lại tự mọc thêm ra được hai cái lúm đồng tiền vậy???

Film đặt bối cảnh là nhóm bạn thân hồi lớp 11 phải tan rã vì chiến sự năm 1975, ờ thì thôi cũng tin là vì loạn lạc mà thất lạc tin nhau đi. Nhưng cách họ gặp lại nhau thì phải cho nó hợp lý tí. Nhân vật chính vô tình gặp lại cô “nhóm trưởng” năng động ngày xưa khi thấy cô ấy đi điều trị ung thư giai đoạn cuối trong bệnh viện. Quả là nhiệm màu.

Sau đó cô nhân vật chính nhìn học sinh tan trường mà chợt nhớ lại thời học sinh và rồi cô phóng xuống xe đi bộ sau đó cô chui tọt vào phòng làm việc của cô giáo ngày xưa và hỏi “cô còn nhớ em không”. Mother of nhiệm màu, phóng đại một phát vào cái trường nào đó ở Sài Gòn cái vô ngay phòng của cô giáo ngày xưa dạy tuốt trên Đà Lạt, trong khi rõ ràng trước đó cô này không có tin tức gì của bạn cả chỉ tình cờ thấy bạn sắp chết trong bệnh viện.

Sau đó khi gặp lại băng nhóm học đường ngày xưa của mình cô nhân vật chính rủ cả nhóm đi kiếm chuyện đánh dằn mặt bạn học của con vì cái tội “dám ăn hiếp con bà”. Cái thế giới gì ở đây vậy trời. Phụ huynh già đầu có cả người làm ăn giàu có rồi mà đi đánh nhau với học sinh cấp 3 là sao. Mấy bà đó có tiền mà, muốn đánh thì cứ thuê giang hồ vả méo mồm mấy con ranh đó ra chứ làm cái gì mà lố lăng coi không có được. Chuyển thể cho nó hợp lý một tí chứ trời. Thời mình còn đi học, đúng năm 2000 theo bối cảnh của film, học sinh một trường đàng hoàng có ăn hiếp nhau cũng phải biết sợ phụ huynh. Không có cái kiểu trả treo mất dạy như trong film. Còn loại học sinh mà dám bật cả phụ huynh của bạn thì chỉ có là trẻ bụi đời chứ không phải học sinh. Loại này mà đụng vào nó kêu băng của nó tới xiên lòi ruột chứ không có cà búng cà búng như trong film.

Và cuối cùng là cái sai nặng nhất với mình, đó là sai bối cảnh lịch sử. Trong film có cảnh sinh viên biểu tình trên đường sau đó choảng nhau với cảnh sát dã chiến. Trang phục này nọ thì OK hết cả đấy nhưng nó không đúng lịch sử. Phong trào sinh viên phản chiến ở Miền Nam mạnh nhất là vào các giai đoạn từ 1967 – 1971 khi hầu hết lãnh đạo Tổng Hội sinh viên đều có liên hệ với chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Sang giai đoạn 1972-1975, hầu hết lãnh đạo thân chính phủ cách mạng chủ chốt như Huỳnh Tấn Mẫm đều bị bắt cầm tù. Và đặc biệt trong giai đoạn đầu năm 1975 khi chính quyền miền Nam mất tỉnh Phước Long thì không khí chiến sự rất căng thẳng. Việc học sinh sinh viên còn có khả năng tổ chức biểu tình trong cái không khí đó không tưởng, mà có biểu tình được thì cũng ăn đạn chứ không có ăn dùi cui như trong film.

Tiếp đó là bối cảnh trong film nhóm bạn thân đang chuẩn bị tiết mục văn nghệ cuối năm thì chia tay tan rã vì chiến sự (tan rã vì chiến sự thì dễ tin chứ tan rã vì bị đuổi học như trong film thì quá sức tào lao. Đặc biệt . Trong đó có cảnh chiếc xe của binh lính Sài Gòn đang rút chạy. Văn nghệ như vậy thì phải vào đợt cuối tháng 4. TrongkKhi đó theo lịch sử thì chiến dịch Tây Nguyên đã bắt đầu từ hồi đầu tháng 3 với trận mở màn chớp nhoáng ở Buôn Mê Thuột. Sau nhiều cuộc phản kích tái chiếm không thành thì từ giữa tháng 3 quan đội Sài Gòn đã rút khỏi Tây Nguyên, Đà Lạt (Lâm Đồng) rơi vào thế cô lập. Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ còn việc nhẹ nhàng giải phóng từ phần của tỉnh Lâm Đồng từ ngày 17 tháng 3 và tới ngày 3 tháng 4 thì giải phóng thành phố Đà Lạt. Trong bối cảnh đó mà còn có cái trường nào tổ chức văn nghệ với bầu chọn hoa khôi thì đúng là điên rồ.

Đó là vài cái sai logic lớn, sai nhỏ thì nhiều, chủ yếu do bê y chang nội dung film Hàn qua mà không thèm sửa nhưng mà nhiếu quá nhớ không hết nên thôi khỏi ghi vậy. Về phần diễn viên tất cả đều đã rất cố gắng nhưng không hiểu tuyển không nổi diễn viên hay sao mà cùng một nhân vật ở thời 15 tuổi với thời 45 tuổi không có bất cứ cái ăn nhập nào với nhau. Nét diễn của mỗi người cũng khác nhau luôn. Lúc coi film cứ phải cố gắng suy nghĩ lắm mới kết nối hai diễn viên vô một nhân vật, làm mệt não người xem một cách không cần thiết.

Cuối cùng điểm cộng chính cho film là ở cảnh quay. Không phải là những đại cảnh quá vĩ đại và hoành tráng hay những khung cảnh đầy tính hình tượng và nghệ thuật, nhưng phần bối cảnh của film được làm khá kỹ. Cảnh quay ưa mắt, các chi tiết chăm chút cho phù hợp với từng giai đoạn của film. Hầu hết film Việt mình thấy trong giai đoạn gần đây đều làm khâu này ổn, và film này cũng không ngoại lệ. Một điểm cộng bù đắp lại cho mấy cái sai bên trên vậy.