Hướng dẫn mua laptop cho tân sinh viên UIT

(Cập nhật 08/2020)

Năm nào tân sinh viên cũng hỏi học ngành này mua laptop gì và năm nào mình cũng gặp sinh viên mua những cái máy để chơi game tốt hơn là để học. Nay rỗi rãi thiết nghĩ có thể viết đôi dòng cho các bạn ấy tham khảo.

Dòng đầu tiên phải nói là mình không nhận hoa hồng của hãng laptop nào để quảng cáo. Mà thật sự là cũng khoogn có một mẫu laptop nào là vô đối mà sinh viên nào cũng phải mua. Tất cả những gì viết ở đây chỉ là gợi ý và tổng hợp kinh nghiệm cá nhân, việc chọn mẫu laptop nào cụ thể phụ thuộc vào sở thích của từng người và qua trọng nhất là túi tiền.

Giờ bắt đầu bằng việc chỉ ra cái suy nghĩ phổ biến nhưng tương đối sai lầm của Tân sinh viên: đó là cố mua một cái laptop khủng có thể làm tốt mọi tác vụ để xài trong suốt 4 năm học đại học. Một laptop như vậy không hề tồn tại, ít nhất là với công nghệ  hiện tại.

Trong suốt 4 năm học, sinh viên Công nghệ thông tin bất kể ngành nào cũng thường sẽ phải dùng nhiều hơn 1 máy tính, đó có thể là laptop đem đến trường, máy bàn đặt ở nhà và server điều khiển từ xa qua mạng. Những công việc khác nhau đòi hỏi công cụ khác nhau và sinh viên CNTT nên làm quen với càng nhiều công cụ khác nhau càng tốt.

Nếu một sinh viên ngành khác, không biết chọn máy tính nên phải lựa loại chỉ mua một lần xài suốt đời thì có thể thông cảm. Còn sinh viên CNTT, bó hẹp 4 năm không dùng cái máy nào ngoài cái laptop từ thời năm nhất thì rất không nên.

NHỮNG THỨ CẦN CÓ Ở LAPTOP

Và vì những công việc đặc thù đã có những máy tính đặc thù (mua hoặc thuê) để làm nên laptop để đi học ngành CNTT không khác nhiều với các ngành phổ thông khác. Một số chi tiết cần lưu ý về cấu hình bao gồm:

1. Pin trâu. Tưởng tượng bạn đang đi thi, thời gian làm bài 2 tiếng, đề mở, được dùng laptop. Thế nhưng ôi thôi laptop chỉ có pin đủ cho 1 tiếng thì sẽ vô cùng đau đớn. Và càng đau đớn hơn nếu như ngày hôm đó bạn thi 2 môn liên tiếp nhau đều như vậy, bạn sẽ không có đủ thời gian để sạc laptop giữa mỗi ca thi đâu.

Laptop dùng đi học phải có pin tối thiểu là 3 tiếng. Và vì pin thì sẽ phải chai sau 3 năm sử dụng nên mục tiêu ban đầu cần nhắm những laptop pin 5-6 tiếng hoặc những dòng laptop dễ thay pin và pin rẻ.

2. Gọn nhẹ. Mục đích chính để mua laptop là vì nó cơ động. Người trẻ nhiều khi không ngại đôi ba ký nhưng có những tình huống  gấp gáp nhưng bạn muốn đuổi theo thầy để hỏi bài, hay bạn mải mê làm bài quên mất sắp tới giờ trường đóng cửa thì một hai ký chênh lệch cũng khá đáng kể. Thứ hai là laptop nhẹ thì xác suất tuột tay rơi vỡ cũng ít hơn và cách các bạn sử dụng chúng cũng sẽ tự tin hơn. 

Và đặc biệt cần lưu ý là laptop thường có phụ kiện chứ không đi một mình và như điện thoại. Và khối lượng đồ phải đem kèm laptop sẽ tăng theo thời gian. Pin bị chai thì sẽ phải kè kè cục sạc,  cục sạc lại cần  ổ cắm nối dài, đĩa cứng đầy thì cần ổ cứng di động, bàn phím hư nên cần bàn phím rời. Đó là chưa kể chuột, tai nghe, sách, vở, dù, bình nước, v.v… Khi mua laptop để đi học lúc còn tân sinh viên đừng mua một cái máy ở tận cùng khả năng mang vác của mình, loại nào nặng hơn 2kg có thể  bỏ qua không cần nhìn tới.

3. Cấu hình/khả năng nâng cấp. Tùy túi tiền mà các bạn Tân SV có thể lựa chọn cấu hình cao và khỏi nâng cấp hoặc cấu hình thấp nhưng nâng cấp được. Ở năm 2018 thì mục tiêu nên nhắm tới là

  • CPU đời cuối 2019 trở lên. (Intel Comet lake/Ice lake – 10xxx trở đi hoặc AMD Ryzen3 4xxx trở đi). Năm 2019 là một dấu mốc của thị trường CPU khi dòng Ryzen 3000 của AMD buộc Intel phải nâng cấp hàng loạt CPU của mình. Vì thế hầu như ở cùng phân khúc thì CPU đời 2019 sẽ mạnh hơn đời trước đáng kể. Nếu bạn mua laptop mới thì nên ưu tiên dòng CPU mới này hơn.
    Tuy nhiên, nếu nâng sách có hạn, các bạn có thể cắt giảm CPU, thậm chí giảm xuống intel Celeron cũng không phải là tận thế. Core i5 là dư dả với laptop đi học, mua i7 thì cũng chỉ tổ máy nóng nhanh hơn thôi. Các tác vụ nặng thì cứ thuê máy chủ để cho nó chạy giùm
  • Ram 8-16GiB, thường  yếu tố ngốn RAM nhất với tân sinh viên sẽ là máy ảo. Trong quá trình học có nhiều thứ cần dùng thử nhưng không phải cái gì cũng có thể cài hết vào máy mình thì phải dùng máy ảo. Nhiều công nghệ khác cũng dùng máy ảo, lập trình di động cần máy ảo giả lập thiết bị, lập trình web cần máy ảo giả lập server, v.v…
    Quy tắc chung là 8GiB là xài đủ, 16GiB là dư dả
    Thị trường thường gần như không laptop nào có sẵn 16GiB giá rẻ nhưng các bạn có thể mua loại có 02 khe cắm RAM để sau này mua RAM tự gắn vào.
  • SSD 128GiB. Tưởng tượng cuối giờ bạn gặp giảng viên để hỏi bài. Thầy thì bận nên cần hỏi nhanh, bạn rất muốn mở máy tính lên cho thầy xem để dễ hỏi vì bạn không biết mô tả vấn đề thế nào, nhưng lap của bạn khởi động là hết 5 phút!! Lúc đó bạn sẽ thấy giá trị của SSD.
    Một ưu điểm nữa của SSD là bạn vác lap chạy đi khi nó đang hoạt động không sợ làm hư đĩa cứng, với đĩa HDD thông thường mà vác đi khi đĩa đang hoạt động có thể làm bad sector và chia tay đĩa.
    Các bạn chỉ cần SSD, không cần dung lượng quá lớn. Dữ liệu có thể cất trên cloud, UIT cung cấp dung lượng lưu trữ google drive không giới hạn. Dữ liệu cần gấp thì có thể để dành năm 2-3 mua ổ cứng di động hoặc thẻ nhớ/USB drive dung lượng cao.
    Ngoài ra hầu hết các SSD hiện tại có thể được thay thế sau khi mua laptop nên các bạn đừng quá đầu tư vào một laptop dung lượng cao ban đầu.

NHỮNG THỨ CẦN TRÁNH.

1. Máy cấu hình quá cao. Nghe thì có vẻ hơi kỳ nhưng một máy cấu hình quá cao thường sẽ thiếu những điều cần có đã liệt kê ở trên. Máy cấu hình cao thường pin không trâu. Nếu pin trâu thì nó sẽ không nhẹ. Nếu pin vừa trâu vừa nhẹ thì máy bị nhồi nhét quá nhiều sẽ dễ nóng, máy nóng thì nó tự chạy chậm lại nên các bạn sẽ có một cái máy cấu hình cao giá cao nhưng chạy còn rùa bò hơn máy tầm trung. Và một yếu tố thường ít được nhà sản xuất đề cập là máy cấu hình cao cục sạc bao giờ cũng bự hơn và nặng hơn cấu hình tầm trung mà pin lại không trâu nên lúc nào cũng cần đem sạc, tổng khối lượng phải đem sẽ tăng đáng kể dù có khi bản thân cái máy không nặng.

Như đã nói từ đầu, chiếc máy hoàn hảo là không tồn tại nên các bạn phải chấp nhận đánh đổi. Nên tránh các thể loại core i7 hay ryzen 7, những thứ này hợp với máy để bàn hơn. GPU khủng cũng nên tránh, Geforce 1050 là dư dả với laptop mà thậm chí không có GPU trên laptop cũng chẳng sao, VGA tích hợp là đủ rồi.

2. Màn hình quá khủng. Màn hình là thành phần quan trọng trong laptop và ngốn điện nhiều chỉ sau CPU với GPU. Nên tránh tất cả thể loại màn hình lớn hơn 15″ trừ khi mắt bạn quá yếu. Màn hình to chiếm nhiều chỗ trên bàn gây khó chịu cho người xung quanh và khi khẩn cấp bạn không thể để cái máy màn hình quá to trên đùi được. Nên chọn màn hình khoảng từ 10-15″, tùy thể trạng mà màn hình có thể khác nhau. Nhưnng nguyên tắc chung là nếu bạn không thể thoải mái cầm máy bằng 1 tay và tay còn lại chỉ trỏ vào màn hình để trình bày với người đang đứng cạnh mình là màn hình quá to với bạn.

Bạn cũng nên tránh các thể loại màn hình 4k hay màn hình cảm ứng. Các loại màn hình này ngốn pin hơn bình thường, mắc hơn nhiều so với bình thường, nặng hơn bình thường mà hiệu quả mang lại với một laptop đi học là không cao. Trả thêm 2-4 triệu chỉ để cái hình selfie được dùng làm wallpaper trông mịn hơn là khá chát. Hơn nữa hầu hết các loại laptop có màn hình cảm ứng thường chât lượng không tốt, bản lề lỏng lẻo, dễ hỏng. Nếu bạn quá thích màn hình cảm ứng thì nên mua máy tính bảng đi học thay cho laptop, cái này sẽ nói ở phần sau.

3. Laptop chơi game. Các dòng laptop chơi game thường có đầy đủ những điều cần tránh và thiếu những điều cần có ở trên. Hơn nữa các loại laptop này thường rất đắt đỏ và cũng khá ít bán ở Việt Nam nên các bạn không cần quan tâm tới chúng. Dù nếu cố tìm kiếm và có mối mua hàng ở nước ngoài các bạn cũng có thể kiếm được các laptop chơi game pin trâu và nhẹ (như razer blade chẳng hạn) nhưng việc có một laptop chơi game kè kè mọi lúc mọi nơi là một cám dỗ rất lớn. Nếu thích chơi game nên hẹn nhau ra quán quánh cho đã rồi về hoặc mua máy bàn để ở nhà nơi có người giúp bạn kiểm soát bản thân.

4. Máy bán kèm window. Bạn không cần window để học công nghệ thông tin. Thậm chí trong quá trình học đôi khi bạn cần phải cài hệ điều hành khác window. Mà nếu bạn chọn một nhán cần windows thì UIT cũng có liên kết với Microsoft cho bạn xài miễn phí. Máy bán kèm window thường đã tính sẵn tiền bản quyền vào giá bán, nếu một mẫu máy cho phép bạn lựa chọn cài sẵn window hoặc không thì cứ mạnh dạn lựa chọn.

Tương tự bạn cũng không cần các phần mềm bản quyền khuyến mãi đi theo vì hầu hết là không cần, nhất là phần mềm diệt virus. Một trong những lỗi khó hiểu khi học lập trình là do trình diệt virus nhận dạng nhầm bài tập do chính sinh viên code thành virus. Sinh viên CNTT nên tập kỹ năng đề phòng mã độc và dùng máy tính an toàn ngay từ đầu hơn là lệ thuộc antivirus.

5. Macbook. Nếu bạn năm nhất hoặc còn gà mờ IT thì không nên lựa Macbook. Còn nếu bạn đã học năm 2-3 hoặc có kinh nghiệm thì bạn tự biết cân nhắc cho mình.

Máy mac có chất lượng rốt tốt nhưng xét hiệu năng chia cho giá tiền thì có nhiều lựa chọn tốt hơn. Hầu hết người dùng chuyên nghiệp chọn mua Mac một là vì công việc của họ bắt buộc cần MacOS (lập trình iOS chẳng hạn) hai là vì máy Mac có cấu hình cố định, mua về xài luôn, không mất công nâng cấp, cài đặt hay tùy chỉnh nhiều, chỉ tập trung dùng máy kiếm  tiền thôi. Là sinh viên thì các bạn không nên lười như vậy.

Thứ hai là máy mac không phải dễ xài và hầu hết ưu điểm của MacOS với tân sinh viên thì hệ điều hành linux cũng có tương tự mà giá rẻ hơn nhiều. Trừ khi bạn đã có kinh nghiệm với Mac từ trước và/hoặc bạn có 30 triệu để không chẳng biết làm gì thì có thể chọn Mac, nếu không thì luôn có lựa chọn khác tốt hơn.

TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

Ngoài các lời khuyên tổng quát ở trên cũng có một số trường hợp đặc biệt mà các bạn có thể cân nhắc các lựa chọn khác. Ở đây chỉ liệt kê một vài trường hợp mà mình biết, qua đó các bạn cũng có thể thấy rõ hơn không có lựa chọn nào là hoàn hảo cho mọi sinh viên, lựa chọn của bạn phải xuất phát từ bản thân bạn.

1. Điện thoại thay cho laptop

Ngày nay điện thoại/máy tính bảng có cấu hình ngày càng cao. Nhìn qua những tiêu chí nên có của laptop đi học như: Pin trâu, nhẹ, RAM 8G, SSD thì hầu hết có thể tìm thấy ở điện thoại. Dĩ nhiên bạn vẫn cần máy tính để học công nghệ thông tin. Tuy nhiên nếu bạn đã có máy tính để bàn và cấu hình điện thoại của bạn đủ cao bạn có thể không cần đến laptop. Cỡ như IphoneX hoặc Galaxy Note 9 là dư sức thay cho hầu hết yêu cầu với laptop đi học. Và các loại tablet có CPU x86 như Microsoft Surface có thể thay thế hoàn toàn laptop.

Ở đây người viết sẽ không phân tích sâu về hướng này, đơn giản vì không có đủ tiền mua nên chưa có kinh nghiệm, bạn nào muốn đầu tư theo hướng Máy bàn + phablet/tablet này thì có thể tìm hiểu trên mạng nhé.

2. Laptop siêu cùi + Máy bàn mạnh.

Nếu bỏ luôn không mua laptop làm bạn thấy lo lắng thì bạn cũng có thể lựa chọn build một cái máy bàn đủ xài và mua một laptop siêu di động rẻ tiền thôi, nhất là các loại dán mác Chrome book hoặc tương đương. Đặc điểm chung của các laptop theo hướng này là:

  • Giá dưới 5 triệu – tiền dư để dành mua máy bàn làm các công việc mà laptop chạy không nổi
  • CPU Atom – vừa rẻ lại tiết kiệm điện, dù yếu banh xác so với Core-i nhưng cũng mạnh hơn cái điện thoại.
  • Ram 2-4GiB – rất hiếm dòng nào 8 GiB, nếu có 8G thì cũng phải xách tay về chứ ở Việt Nam gần như không có bán.
  • Ổ cứng eMMC – cùng công nghệ với thẻ nhớ, chậm banh xác nhưng rẻ.

Với cấu hình như vậy dĩ nhiên có nhiều tác vụ các bạn phải sang tải qua máy bàn nhưng nếu kiên nhẫn và khéo léo chọn phần mềm phù hợp thì các bạn vẫn có thể làm được hầu hết công việc của laptop đi học.

MỘT SỐ MẪU MÁY ĐỂ THAM KHẢO

Dù không nhận tài trợ từ hãng máy tính nào cả, nhưng đã viết bài hướng dẫn thì phải có phần ví dụ. Ở đây chỉ liệt kê một số dòng máy ở các mức giá khác nhau với mục đích tham khảo, người viết có thể chưa hề xài các máy này mà chỉ nhìn cấu hình rồi chém gió nên ai trót mua xin tự chịu trách nhiệm.

Tầm giá 5 – 6 triệu

Với tầm giá này nghĩa là các bạn đã chọn giải pháp laptop cùi đi kèm máy PC mạnh, bạn chọn tìm được hàng tồn kho hãng đang cần xả hàng hoặc bạn mua máy second hand. Trong đó giải pháp second hand không thuộc phạm vi bàn tới trong bài viết này. Với tầm giá này không có nhiều lựa chọn ở Việt Nam, bạn cứ vào một website bán laptop nào đó, sort theo giá từ thấp tới cao rồi so sánh các mẫu máy đầu tiên với nhau cho tới khi ra cận biên tầm giá.

Khi tìm được mẫu máy ưng ý thì chọn chỗ nào bán giá rẻ nhất. Ví dụ với tầm giá này trên tiki có 6 mẫu máy đều khá ổn:

Với lựa chọn tầm giá này thì khả năng sau này phải tậu thêm một máy tính khác là khá cao. Các bạn nên chủ động kiên nhẫn, để dành tiền và chắt chiu từ bây giờ. Nên làm quen với các công cụ làm việc từ xa và phân tán công việc trên nhiều máy khác nhau. Các công cụ này đều rất quan trọng với dân công nghệ thông tin nhưng càng đặc biệt quan trọng với laptop yếu.

Tầm giá 10 – 16 triệu

Đây là tầm giá các laptop bắt đầu đủ dùng và là phân khúc đông đúc khách hàng sinh viên. Tuy nhiên đây là một phân khúc khá rối rắm bởi các mẫu máy flagship của năm trước được giảm giá bán lẫn lộn với các mẫu máy tầm trung của năm nay.

Nếu là một người chuẩn bị vào ngành Công nghệ Thông tin các bạn sẽ cần google kỹ lưỡng để lựa chọn ở phân khúc này. Kiểm tra kỹ model của máy xem máy sản xuất lúc nào, CPU ra đời năm nào, máy có thể nâng cấp hay không, v.v…

Tuy lựa chọn đa dạng phong phú nhưng phân khúc này thường không có lựa chọn nào thỏa mãn được tất cả tiêu chí. Nhìn chung phân khúc này là nghệ thuật của sự đánh đổi và mỗi người có một tiêu chí đánh đổi riêng. Phân khúc này là dịp rất tốt để luyện tập kỹ năng google.

Máy này có giá 13 triệu. CPU Ice Lake thế hệ mới, SSD 512, RAM 4G nhưng nâng cấp dễ dàng. Nhược điểm là To, dày, pin yếu.
Máy 14 triệu này có thể gập thành tablet, Ram nâng cấp được, SSD nhưng dày và nặng.

Lưu ý cuối cùng ở phân khúc này là các bạn nên dự kiến cả tiền nâng cấp vào giá máy. Ví dụ 2 mẫu máy trên đều có RAM 4GiB nhưng dễ dàng nâng cấp thành 12GiB. Nếu có điều kiện bạn nên nâng cấp luôn, không cần chờ. Hầu hết trường hợp nâng cấp máy sẽ rẻ hơn mua máy có cấu hình cao sẵn.

Một thanh Ram 8GiB cho laptop vào thời điểm 2020 khoảng 900 ngàn. Một ổ cứng SSD 500GiB khoảng hơn 1 triệu. Vì thế khi mua máy nên trừ hao khoảng 1-2 triệu đồng nếu máy có thể nâng cấp được.

Tầm giá 18 – 25 triệu

Ở mức này gần như các bạn có thể tìm được laptop đáp ứng toàn bộ nhu cầu học tập của mình. Hầu như toàn bộ phân khúc này có CPU Comet/Ice Lake với cả Core i5 trở lên, RAM 8GiB, SSD, pin trâu, v.v…

Do nhu cầu cấu hình thiết yếu đều có đủ nên ở phân khúc này thường ít hơn thua nhau ở cấu hình mà ở thiết kế và trải nghiệm. Thiết kế đời mới thường nhỏ gọn, mỏng nhẹ và cơ động hơn nhưng cũng sẽ đắt hơn. Khi chọn máy ở phân khúc này nên tìm những review của người thực sự đã dùng máy, nhất là review ở dạng video. Các dòng máy ở phân khúc này thường được hãng makerting tốt nên cũng sẽ có nhiều người review. Một số điểm cần lưu ý để chọn laptop ở dòng này có thể kể đến như:

  • Máy có bị quá nóng (thermal throttling) khi tải nặng không. Nhiều hãng cố gắng cạnh tranh bằng cách nhét máy vào một thiết kế quá bắt mắt và gọn nhe sẽ làm máy quá nóng khi tải nặng. Cái này bắt buộc phải có ai chạy thử rồi ghi nhận kết quả cho các bạn, xem máy ở cửa hàng không thể biết. Nhiều hãng cố gắng
  • Wifi của máy có tốt không. Wifi là thứ thường bị hãng cắt xén khi sản xuất máy. Tuy nhiên ở phân khúc này thường có máy vỏ nhôm mà nhôm sẽ cản sóng wifi nên nếu hãng bưng y nguyên thiết kế wifi của máy vỏ nhựa qua mà không chỉnh sửa các bạn sẽ bị hụt hơi khi giành giựt sóng với người khác. Và chi tiết này cũng phải có người xài thử cho biết.
  • Bản lề màn hình có chắc chắn không, bàn phím gõ có ngon không. Những thứ này thì có thể xem trực tiếp tại cửa hàng được. Do giá tiền ở phân khúc này không phải nhỏ nên các bạn cần cố lựa kỹ.

Một điểm đáng ghét của phân khúc này là máy nào cũng bán kèm window và không đổi lại được. Với sinh viên công nghệ thông tin thì hầu hết khi mua máy vê đều cài lại window phiên bản khác nên hơi lãng phí. Nhưng do thị trường như vậy nên đần chấp nhận. Một số ví dụ mẫu máy ở phân khúc này có thể kể điểm qua như:

Mẫu acer swift 3 được nâng cấp lên CPU Ice Lake mới, RAM và SSD đủ dùng, thiết kế tương đối cũ nhưng vẫn khá nhẹ và cơ động. Nhưng giá 19 triệu không phải rẻ..

Phiên bản mới nhất của dòng HP cấu hình mới, đáp ứng yêu cầu, mỏng nhẹ và pin trâu

Dòng HP Envy năm 2020 được cập nhập một ít về mặt thiết kế máy chắc chắn, mỏng nhẹ và pin trâu với cấu hình đầy đủ các điều cần có ở trên.

Phiên bản Asus zenbook đã giảm giá khá nhiều so với lúc mới ra mắt, touchpad có thể dùng như màn hình thứ 2. Máy mỏng nhẹ, pin trâu, cấu hình đáp ứng đủ yêu cầu.

Tầm giá 25+ triệu.

Đây là phân khúc sang chảnh. Để mua laptop đi học các bạn không cần đến phân khúc này! Đây là phân khúc của dòng máy cao cấp hay flagship laptop của các hãng nhưng không nhiều hãng đem các dòng flagship này về kinh doanh ở Việt Nam. Lựa chọn sáng giá nhất cho phân khúc này ở thời điểm update bài viết là LG GRAM

Thiết kế đời mới, siêu mỏng, siêu nhẹ, pin trụ được có khi còn lâu hơn cả điện thoại, cấu hình đủ các yếu cầu có thể nâng cấp và đặc biệt là bỏ chọn window sẽ tiết kiếm 1 triệu đồng. Nếu bạn đủ ngân sách thì đây là laptop duy nhất đáp ứng đủ và dư toàn bộ mọi tiêu chí đặt ra trong bài viết.


THE END.


Comments

3 responses to “Hướng dẫn mua laptop cho tân sinh viên UIT”

  1. Khánh Nguyễn avatar
    Khánh Nguyễn

    Anh ơi em cũng đang là sv IT ạ, giờ em đang phân vân con Laptop HP Envy 13-AH0026TU với con HP Pavilion 15-cs1080TX á anh. Anh thấy còn nào thì sẽ ổn hơn ạ? E cảm ơn ạ

  2. maikhai avatar
    maikhai

    Sao tô đen bài “sắm laptop” dán qua urxvt không được ta? Tính cp cho thằng cháu đọc để nó không mè nheo con dâu.
    Chắc là phải save bằng html. Có cách nào dán qua nano mà không bị toàn dấu ???? không hè? Cám ơn.

    1. truongan avatar
      truongan

      Bác đưa cho nó URL đến bài viết là nó tự đọc được nha. Lâu lắm rồi mới thấy lại email của bác, mà lại là trong blog của em.